So sánh sản phẩm
Giỏ hàng của tôi (0)
  • Hiện chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn

Tủ chè gỗ trắc

          Tại sao cứ tầm tuổi ngoài 50 thì người ta mới thích và tìm mua tủ chè trong khi trước đó thì mới chỉ dừng lại ở việc thích thôi chứ chưa cố ý tìm mua (Tất nhiên có bạn thích từ thưở bé)? Tại sao trong khi các loại tủ khác như tủ ly, buffet, tủ tường khảm thường có tuổi đời ngắn ngủi mà tủ chè lại có vị trí lâu bền (gần như là mặc định) trong bố cục nội thất gia đình như vậy? Dưới đây là một kiến giải dưới góc nhìn của người thợ mộc với kinh nghiệm hơn 30 năm gắn bó trong nghề.

     Tủ chè thường tại vị tại nơi trang trọng nhất trong căn nhà. Đi kèm với đó là bộ nội thất hoàn chỉnh bao gồm sập gụ, bàn thờ gia tiên, bộ bàn ghế tiếp khách tạo nên một bố cục không gian vừa cổ kính vừa trang nhã. Về chất gỗ, từ xưa đến nay tủ chè được làm từ gụ, cao cấp hơn là trắc, mun, những loại gỗ quý mang màu tối, chứ không sử dụng những loại gỗ sáng màu, điều này đem đến cho tủ chè mầu sắc đặc trưng tôn kính và sang trọng.
     Về cấu tạo, tủ chè chia ra làm 2 phần cơ bản là phần bệ và phần thùng.


     Phần bệ là phần bên dưới, thường được chạm trổ theo các tích, các điển thể hiện lối chơi thanh cảnh, tao nhã của chủ nhân như: cảnh sen vit, cảnh nho sóc, tích ngũ phúc, tích tứ dân…

     Làm được cái bệ tủ chè là cả một kỳ công của người thợ. Đầu tiên, anh thợ phải có tài để vào được cái mộng thoi bạc, một kiểu mộng liên kết dọc, ngang được khóa theo chiều dọc từ trên xuống, khi thùng tủ đặt lên thì có độ nặng và như thế liên kết k bao giờ lỏng ra, càng nặng càng chặt, ấy là cái tinh, cái nghề của người thợ. Bên cạnh đó là độ chênh của dạ, để khi go 4 cái chân với dạ nó hợp với từng tích đục, cảnh đục, mang lại sự thanh thoát, khôn dáng cho tổng thể.
     Khi đục bệ lại là cả vấn đề, thường thì thợ đục riêng và thợ làm mộng riêng (làm ngang), mà phần này chỉ làm được bằng tay, máy móc chịu không làm nổi. Người thợ phải thực sự tài hoa mới cho ra tác phẩm đẹp, con chích phải mỏ ngắn, hơi bè, cổ ngắn, chân nhỏ, đầu ngoảnh hướng vào nhau, cành lá uốn lượn, trông mềm mại, uyển chuyển, … sinh động, có hồn đến mực người thưởng lãm có cảm giác như chim đang hót, lá đang rung.

     Sau phần bệ, phần thùng là nơi toát lên sự hoàn hảo của cái tủ. Đầu tiên là nói đến phần làm ngang, thường tủ chè khung chỉ to 22mm, có thể soi 1 hoặc 2 chỉ  mối bên, giữa để ống tơ, chính vì vậy mà đường chỉ rất nhỏ, yêu cầu chỉ phải đều, thẳng, rõ, không sứt mẻ, các mối mộng dọc ngang phải kín khít nhẹ nhàng, chỉ đấu nhau tăm tắp, không chệch, chệu, Cái khó là ở mối mộng góc trước, cả xà tang, cột tủ, xà đốc mà dầy có 22mm đấu chung 1 chỗ, yêu cầu phải kín, khít, chỉ đốc đấu cột.chỉ  xà tang đấu cột, không được gắn keo cồn, không đóng đinh sắt mà phải kín, khít. Đây thật sự là tài hoa của người thợ.

     Phần linh hồn của tủ chè có lẽ là cái lèo và đôi cánh. Lèo tủ là phần thể hiện tay nghề cao nhất của người thợ đục. Lèo có thể theo lối Nho sóc, hay Ngũ Phúc, hay theo tích như Tam cố thảo lư, hay Văn Vương cầu hiền. trong 1 không gian rộng 8 đến 10cm phải bố cục làm sao cho hợp lý, với cây nho phải bố trí lá lật, lá ngửa, tay quấn, như thế nào, chùm nho ra làm sao, con sóc phải thể hiện sự nhanh nhẹn tinh anh, đuôi phải dài, bông, cong, 2 chân trước vặt quả nho phải nhỏ, xinh, gấp cho có dáng và sống động. Với tích Văn vương cầu hiền thì lại phải bố cục thật kín, hình ảnh nhân vật phải toát lên qua nét đục của người thợ, dáng của Chu Công phải oai phong lẫm liệt, mặt to tai lớn, dáng của Khương Công phải đạo mạo, khoan thai sâu sắc thần thái, Đường nét đục phải sắc xảo, nhẵn nhọi, thường thợ đục tích khéo chưa chắc đã đục cảnh giỏi và ngược lại. Cho nên để có 1 cái tủ chè đẹp phải kết hợp rất nhiều thợ.

     Về phần đôi cánh tủ là cái nổi bật nhất tủ, thường cánh được làm long khung, và đôi cánh được khảm. Nói về khảm trai thì thật khó nói, Phải là những người thợ khéo nhất ở vùng Chuôn Tre, Thường Tín Hà Tây thể hiện. dù khảm tích hay khảm cảnh đều phải chọn kỹ bố cục, thực sự đây là 1 bức tranh bằng đặc sắc, vừa mang nét đẹp của tự nhiên, vừa thể hiện nét tài hoa của người thợ, Bố cục phải thoáng, sống động, Để có 1 con vịt ( trong tích sen vịt) thì người thợ phải diễn tả dáng con vịt, cổ nhỏ, dài, mình thon, đuôi hơi vểnh,
     Khi chọn mầu, cái mỏ mầu vàng nhạt của xác, đầu mầu nâu ( hoặc cánh cam) của tai trai, cổ ánh xanh của tai, của cửu khẩu, mắt mầu xanh của ốc, cánh của ốc của trai, tùy từng vị trí mà chọn mầu sắc của ốc, của trai cho đẹp… lựa chọn đúng khéo thì bức trang rất đẹp, lựa chọn sai thì màu xấu, ngang đấy mới là cái tài tình của người thợ.
     Nói tóm lại, những người ngoài 50 tuổi thì sự đời đã trải nhiều hỷ, nộ, ái, ố đã trải qua cả, muốn lấy một cái gì đó để thay cho tính cách, phong thái của mình thì không gì hơn là cái tủ chè, vừa dùng được, vừa chơi được, Khách đến chơi nhà thoáng qua chiếc tủ đã biết gia phong, cốt cách của chủ nhân.
- Chu Kiến Đảo -
 
 
 
  

 

Tin cùng danh mục

© Copyright 2017 - Thiết kế web bởi WebBNC.net